

Sin Suối Hồ không chỉ được đánh giá là một trong những bản du lịch cộng đồng đẹp nhất cả nước mà còn mệnh danh là “thủ phủ” của hoa địa lan. Đảm bảo các yếu tố “thiên thời, địa lợi nhân hòa” giúp dân bản có thể ươm, trồng và phát triển các loài lan quý hiếm, đặc biệt là hoa địa lan. Đến thời điểm này, cả bản có khoảng 20 nghìn chậu địa lan và là nguồn thu chính của các hộ dân.
Cũng như bao phụ nữ trong bản, chị Ly lớn lên gắn bó với đồng ruộng, thêu thùa, may vá rồi lấy chồng thì có thêm trách nhiệm lớn hơn là sinh con và chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, bản thân vốn nhanh nhẹn, thông minh, sôi nổi với các hoạt động đoàn thanh niên, hội phụ nữ, tích cực tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề do Hội Liên hiệp Phụ nữ xã phối hợp tổ chức. Qua những buổi sinh hoạt chi hội, gặp gỡ, trao đổi với cán bộ phụ nữ huyện, xã, chị mạnh dạn tìm hiểu, thấy cần phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phụ giúp chồng vực dậy kinh tế gia đình và chứng minh cho chị em trong bản thấy dù “chân yếu tay mềm” nhưng có thể gánh vác nhiều việc lớn hơn.
Năm 2012, nhận thấy một số hộ dân trong bản lấy giống hoa địa lan từ rừng về ươm trồng và có thu nhập khá cao. Mặc dù chồng chị cũng trồng vài chậu nhưng chỉ để làm cảnh. Chị mạnh dạn bàn với chồng đầu tư chậu và nhân giống bán. Nhận được sự đồng thuận của chồng, chị tích cực tìm hiểu kinh nghiệm của các hộ dân trong bản, đầu tư chăm sóc đảm bảo địa lan có chất lượng tốt nhất.
Chị Ly kiểm tra sự phát triển của hoa địa lan.
Chị Ly chia sẻ: Việc nhà cũng nhiều mà chăm sóc địa lan cần tỷ mỷ, đòi hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm. Ví dụ như muốn tách cây phải kiểm tra sự phát triển của cây gốc, đảm bảo mầm nhú khỏe, chọn thời điểm tiết trời mát, hoa lan nở đã tàn, mầm già. Khi trồng đảm bảo chậu có lỗ thoát nước, làm kỹ đất; vệ sinh chậu hoa thường xuyên, tách bỏ lá vàng; chú trọng phòng các loại bệnh để cây cho bông to...
Diện tích trồng địa lan mở rộng đồng nghĩa với thu nhập của gia đình chị tăng cao. Theo lời chị Ly, những năm đầu trồng thử nghiệm nên chỉ đạt 30 triệu đồng/năm, năm 2018 cán mốc 100 triệu đồng. Mặc dù hoa địa lan chỉ được thu cách năm vì năm nay thu sang năm sẽ để nhân giống nhưng đây là nguồn thu nhập đáng mơ ước đối với đồng bào vùng cao. Bản thân khi đã thành công, chị tư vấn, vận động chị em trong bản (nhất là hộ do phụ nữ làm chủ, hộ nghèo) học tập, làm theo. Cây giống, kinh nghiệm trồng, chăm sóc chị hỗ trợ, sẻ chia.
Nhận xét về chị Ly, chị Sùng Thị Le (người dân trong bản) không khỏi ngưỡng mộ: Chị Ly mặc dù tuổi còn trẻ nhưng dám nghĩ, dám làm, chủ động cùng chồng phát triển kinh tế từ trồng địa lan bán. Học theo chị, chúng tôi dần thay đổi cách nghĩ, mạnh dạn trao đổi, chia sẻ những việc lớn trong gia đình. Đặc biệt là học tập nhau trồng, chăm sóc địa lan, cố gắng tự chủ kinh tế.
Ngoài trồng địa lan, gia đình chị Ly còn tập trung sản xuất lúa, trồng, chăm sóc cây thảo quả. Đối với cây lúa, chị chuyển đổi trồng giống lúa mới, đầu tư phân bón, gieo cấy đúng lịch thời vụ. Thời tiết thay đổi thất thường, xuất hiện nhiều loại sâu bệnh hại, với những kiến thức có được thông qua lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất từng tham gia, chị chủ động thăm đồng và mua thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ sớm nhất, hạn chế bệnh hại lây lan, ảnh hưởng năng suất.
Cây thảo quả vì sống dưới tán rừng, không đòi hỏi đầu tư phân bón nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, chị cùng chồng phát, tỉa, làm cỏ, trồng dặm những bụi cây già cỗi. Mùa vụ phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên cao điểm được mùa, gia đình chị thu về 30 bao thóc và 1 tấn thảo quả khô/năm.
Khi chúng tôi hỏi về tổng thu nhập, chị Ly nói: Làm nông nghiệp thì thu đến đâu lại để sử dụng hoặc bán rồi chi phí sinh hoạt và đầu tư vào nhiều việc khác, ít khi vợ chồng tôi hạch toán. Sau mỗi vụ thu hoạch, chủ yếu so sánh xem có hơn năm trước không để còn tính toán, chuyển đổi giống hoặc đầu tư nhiều hơn. Từ trồng trọt và bán địa lan, kinh tế gia đình ổn định, khi có việc lớn hoặc cần sửa nhà hay đầu tư công trình phụ không quá lo lắng đến chi phí; các con được chăm sóc đầy đủ.
Được biết, hiện nay, chị Ly tham gia mô hình Tổ hợp tác trồng và phát triển hoa lan của Chi hội phụ nữ bản (gồm 20 thành viên). Trong đó, gia đình chị có kinh tế khá, nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho các hộ trong tổ, giúp hội viên nghèo vươn lên. Tháng 3 vừa qua, chị vinh dự được thay mặt hội viên trong Chi hội tham sự Diễn đàn phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Chị Ly chia sẻ: Tham gia Diễn đàn, không chỉ là cơ hội để tôi giới thiệu mô hình hoạt động của Tổ, quảng bá ưu điểm của hoa địa lan khi trồng ở Sin Suối Hồ đến hội viên trong tỉnh mà còn học tập thêm nhiều kinh nghiệm từ các mô hình kinh tế khác. Qua đó, chia sẻ, trao đổi, hướng dẫn thành viên trong Tổ mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn, khẳng định rõ hơn vị thế trong gia đình và xã hội.










