Thứ hai, 07/10/2024, 09:24 [GMT+7]

Gương mẫu, tận tụy

Thứ hai, 22/01/2024 - 10:20'
Nhiều năm nay, người dân bản Sin Páo Chải (xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu) quá quen với hình ảnh một người đàn ông có thân hình bé nhỏ thường xuyên đi vận động bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ những việc ông làm đã góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của bản. Đó chính là ông Giàng A Chảo - Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Sin Páo Chải.

Trước đây, vấn đề vệ sinh môi trường và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ dân Sin Páo Chải được bàn thảo trong nhiều cuộc họp từ xã đến bản. Một phần do chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, thu nhập dựa vào nông nghiệp là chính, đời sống còn khó khăn. Phần nữa do phong tục tập quán lạc hậu, nhiều gia đình không xây dựng nhà tiêu. Giúp bà con nâng cao nhận thức cải thiện cuộc sống, bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp là một trong những trăn trở của người “vác tù và” như ông Chảo.
Ông thường xuyên phối hợp với các ban, đoàn thể xã, trưởng các dòng họ tăng cường tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống mới, xây chuồng nuôi nhốt gia súc xa khu nhà ở; phân tích những lợi ích thiết thực đối với sức khỏe của gia đình cũng như cộng đồng dân cư khi sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Gia đình ông gương mẫu đi đầu xây nhà tắm, nhà tiêu và hướng dẫn bà con làm theo. Đến nay, trong bản có hơn 40 hộ làm nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn nông thôn mới.

Ông Chảo chăm sóc cây mận tam hoa.

Năm 2022, sau khi UBND thành phố mở lớp giáo dục tiếp tục sau biết chữ, qua rà soát thống kê, bản Sin Páo Chải còn 15 trường hợp chưa biết chữ. Với mong muốn bà con biết đọc, biết viết, hoàn thiện kiến thức, chống tái mù chữ, thông qua các buổi họp bản, ông Chảo cùng chính quyền địa phương tích cực vận động bà con chuyên cần ra lớp học chữ. Tuy nhiên, việc huy động học viên đi học gặp nhiều khó khăn vì họ đều lớn tuổi và là lao động chính trong nhà; lớp học buổi tối, nhiều người ngại đi bộ ra lớp học ở bản Sùng Chô.
Trước tình hình đó, ông Chảo đến từng gia đình vận động, phân tích ý nghĩa, tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết, biết tính toán trong cuộc sống hiện nay, nhất là khi các ứng dụng phần mềm khám, chữa bệnh, thông tin cá nhân được cài đặt tích hợp trên điện thoại thông minh. Với lời lẽ chân thành xuất phát từ những ví dụ thực tiễn như: gia đình có con đi làm ăn xa gửi tin nhắn về nếu người thân biết đọc chữ sẽ dễ dàng liên lạc, trao đổi qua lại, nối gần khoảng cách… tiếp thêm động lực để học viên hăng hái đến lớp.
Chị Sùng Thị Dinh ở bản Sin Páo Chải chia sẻ: Ông Chảo cùng cán bộ xã đến tuyên truyền, tôi mạnh dạn, bỏ qua mặc cảm, tự ti đến lớp học chữ. Tôi đã biết đọc sách, báo, tự tìm thông tin hữu ích về chăn nuôi, trồng trọt, xây dựng gia đình hạnh phúc trên các trang mạng xã hội để áp dụng vào thực tế. Biết chữ khi đi chợ cũng dễ dàng trong mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tiết kiệm điện góp phần giảm chi phí sinh hoạt, giảm lượng điện năng tiêu thụ, ông Chảo vận động bà con lắp giàn nước nóng năng lượng mặt trời. Và, gia đình ông cũng tiên phong lắp trước; mời dân bản đến trải nghiệm, sử dụng thử; kết quả có khoảng 40 hộ dân đầu tư.
Ông Chảo còn gương mẫu cùng gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả cho thu nhập cao. Hiện, gia đình ông có hơn 100 gốc mận tam hoa mỗi vụ thu khoảng 20 triệu đồng từ bán quả.
Sin Páo Chải là một trong những bản tiêu biểu của xã Sùng Phài với những thành tích nổi bật: nhiều năm liền không có người nghiện ma túy, còn 1 hộ nghèo. Có được kết quả đó là nhờ một phần đóng góp của ông Giàng A Chảo.
Chia tay chúng tôi, ông Chảo bộc bạch: Có thể góp sức thay đổi diện mạo quê hương là ước nguyện của tôi. Tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong cộng đồng dân cư, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Hoài Thương

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn
Bố trí dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đặc biệt khó khăn là chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, vì vậy, huyện Tam Đường đang đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án từ...
Vì sự nghiệp “trồng người”
19 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao, từ lòng yêu nghề và năng lực chuyên môn vững, cô giáo Phùng Thuý Phương - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Bản Hon (xã Bản Hon, huyện Tam...