

Qua lời giới thiệu của lãnh đạo xã Tung Qua Lìn, chúng tôi đến thăm gia đình ông Vàng A Sử. Ông Sử có dáng người hơi gầy, thấp, làn da nâu. Lúc này ông đang sắp xếp các mặt hàng nhu yếu phẩm như: bánh kẹo, nước ngọt, dầu ăn, nước mắm… cho gọn gàng để khách hàng dễ thấy và lựa chọn mua. Sự nhanh nhẹn, tươi cười của ông khiến chúng tôi cảm thấy dễ gần, thân thiện. Quán của ông cạnh đường tỉnh lộ 132 nên khách đến mua hàng cũng đông, nhất là vào thời điểm này, nắng nóng, nước giải khát, nước ngọt, kem là mặt hàng bán nhiều nhất.
Ông Sử (áo đen) bán hàng cho khách.
Ông Sử chia sẻ: Tôi bán quán tạp hóa được gần 20 năm rồi đấy. Trước đây, chỉ là quán nhỏ, bán chút mắm, muối, xà phòng phục vụ nhu cầu của bà con. Mỗi lần đi lấy hàng tôi phải xuống chợ Mường So mới có, đường đi vất vả lắm, lúc mưa thì đường lầy lội, trơn trượt. Giờ thì khác, giao thông thuận lợi, hàng có xe giao đến tận nhà; các mặt hàng đa dạng mẫu mã, giá cả phù hợp với túi tiền của người dân. Đời sống của Nhân dân vùng biên hiện nay đã được cải thiện, nhiều hộ đi làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt, tiết kiệm được tiền để xây nhà kiên cố. Thấy vậy, tôi mạnh dạn đem hết số tiền tích cóp từ bán hàng tạp hóa đầu tư vốn nhập ngói prôximăng, bán cho bà con. Mỗi năm cửa hàng thu lãi 100 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, bằng vốn kiến thức tích lũy sau những lần đi tham quan học hỏi các mô hình kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh cách đây gần 30 năm trước, ông Sử xây dựng mô hình chăn nuôi hiệu quả. Chúng tôi xuống thăm khu vực chăn nuôi, nhìn đàn lợn, đàn trâu con nào, con nấy béo tròn, da căng mọng cũng đủ thấy phần nào sự chăm sóc của ông và các thành viên trong gia đình. Được biết, mỗi năm gia đình ông Sử nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa từ 10 - 15 con và 2 con trâu sinh sản. Để đàn lợn, trâu phát triển tốt, ông tận dụng nguồn cám dôi dư từ máy xát gạo và bỗng rượu, ngô làm thức ăn tinh; hàng ngày đi lấy cây chuối, rau rừng làm thức ăn xanh cho lợn; trồng cỏ voi làm thức ăn xanh cho trâu. Trong quá trình chăn nuôi, ông chú trọng công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc - xin định kỳ. Nhờ đó, một năm gia đình ông xuất ra thị trường 2 tấn thịt lợn hơi; cứ 2 năm bán được 1 con trâu.
Ông Sử tâm sự: Tôi sinh ra trong gia đình người Mông đông anh chị em, bố mẹ đều là nông dân. Cuộc sống nghèo, khổ cứ đeo bám mãi. Đến lúc trưởng thành, lấy vợ, sinh con, tôi mới thấu hiểu được sự hy sinh, vất vả cực nhọc của bố mẹ khi nuôi anh em chúng tôi lớn khôn. Vì thế, tôi quyết tâm vươn lên làm giàu bằng chính năng lực của mình; chịu khó, chăm chỉ thì chưa đủ mà cần phải thay đổi tư duy làm kinh tế, sáng tạo và dám thử sức ở nhiều lĩnh vực.
Với nhận thức đó, ông Sử cùng vợ, các con đổi mới phương thức canh tác cấy lúa, trồng ngô; sử dụng phân bón hóa học để chăm sóc cây trồng; áp dụng tiến bộ kỹ thuật, máy móc vào sản xuất giảm sức lao động của con người. Cách đây 2 năm, ông Sử mạnh dạn đăng ký với xã mô hình trồng 60 chậu địa lan. Để mô hình cho hiệu quả cao, ông tìm hiểu kinh nghiệm chăm sóc từ những người đi trước, hướng dẫn của cán bộ huyện, xã rồi áp dụng. Năm trước vợ chồng ông bán được 20 chậu địa lan, với giá từ 200 - 500 nghìn đồng/chậu.
Ngoài cửa hàng tạp hóa, mô hình chăn nuôi lợn, trâu, trồng địa lan, hàng năm vợ chồng ông Sử cấy hơn 1ha lúa; có 3ha thảo quả; gần 500 m2 trồng ngô. Bình quân mỗi năm, thu về hơn 100 bao thóc, 20 bao ngô, 4 - 7 tạ thảo quả. Với mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình ông Sử thu lãi 150 triệu đồng/năm.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Sử còn được người dân trong bản quý trọng, lãnh đạo xã tin tưởng với vai trò Trưởng bản Căng Ký suốt 32 năm cho đến năm 2020 mới nghỉ vì lý do sức khỏe. Hồi đó, ông tích cực tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con. Vận động các hộ tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo; chung tay xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa mới vùng đồng bào dân tộc Mông…
Với những cống hiến, ông Sử nhận được nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong sản xuất, kinh doanh giỏi; Giấy khen của các ngành, các cấp ở nhiều lĩnh vực.
Đồng chí Vàng A Quẩy - Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn cho biết: Ông Sử là tấm gương làm kinh tế giỏi của bản; rất chịu khó và mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời, ông cũng là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua ở xã; phát huy năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết với công việc của bản. Đến nay, khi nghỉ chức vụ trưởng bản, ông vẫn tham gia các hoạt động của bản với vai trò người có uy tín; truyền lại kinh nghiệm cho trưởng bản mới.









