

Sinh ra và lớn lên ở quê hương Tà Mít, như bao thanh niên trong bản Ít Chom dưới, Lường Văn Mới (SN 964) không được học hành đến nơi đến chốn do kinh tế gia đình khó khăn, neo người làm, trường học xa nhà… Tham gia nhập ngũ, trong môi trường quân đội giúp anh trưởng thành, hội tụ những phẩm chất của người lính Cụ Hồ. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm sống, ý chí vươn lên. Trở thành cơ sở để từ quyết định khởi nghiệp đến thành công hôm nay đều được anh cân nhắc kỹ lưỡng, dồn tâm ý thực hiện và trân trọng những gì đang có.
Trong chuyến công tác vào Tà Mít những ngày đầu tháng 12, khi lãnh đạo UBND, Hội Nông dân xã sắp xếp để chúng tôi ghi hình tại các hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Bản Chát. May mắn nhóm phóng viên được tác nghiệp tại chính khu vực nuôi của gia đình ông Mới. Theo lời anh Phàn Văn Diết - Chủ tịch Hội Nông dân xã, đây là hộ có số lồng nuôi lớn của xã (9 lồng), những năm trước, ông Mới và con trai là Lường Văn Thao nuôi tại khu cầu Phà ngay đầu xã nhưng năm nay di chuyển tất cả 4 lồng lên khu vực lòng hồ của bản Tà Mít để nuôi tập trung với các hộ khác. Đồng thời, đầu tư thêm 5 lồng. Thay vì nuôi nhiều cá lăng, tầm, ông chuyển đổi sang cá trắm, rô phi và trê phi. Bởi, đây là các loại thực phẩm thông dụng, nhu cầu của Nhân dân địa phương lớn và tận dụng được nguồn thức ăn từ sản phẩm nông nghiệp của địa phương kết hợp với cám viên ăn sẵn.
Ông Lường Văn Mới (ngoài cùng bên phải) kiểm tra sự phát triển của cá lồng.
Trong câu chuyện, ông Mới cho biết: Khi xuất ngũ, tôi cùng gia đình tập trung trồng lúa, ngô, phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên khi ấy, phần lớn dân bản đều canh tác theo truyền thống, giống thường tự để và sử dụng qua nhiều năm, năng suất, chất lượng thóc, gạo không cao. Còn chăn nuôi chủ yếu là trâu phục vụ cày bừa, kéo gỗ và thả lên rừng, khi cần mới tìm về. Tôi vận động gia đình chuyển đổi cơ cấu giống, tận dụng những thửa ruộng thuận nguồn nước canh tác 2 vụ lúa; làm chuồng theo hình thức bán chăn thả, nuôi thêm bò làm hàng hóa.
Sau khi thực hiện di dân, tái định cư năm 2011, thuộc diện di vén tại chỗ, ruộng phần lớn bị ngập, ông Mới tận dụng những diện tích đất nương ven lòng hồ của gia đình trồng 2 vụ lúa, ngô. Đồng thời, đăng ký trồng 3ha quế theo Đề án của huyện nhằm tạo sinh kế bền vững; mở cửa hàng tạp hóa tại nhà. Năm 2017, khi xã có chủ trương phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, trong đó huyện hỗ trợ làm lồng cá với số tiền 10 triệu/lồng, Quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ nguồn vốn đầu tư, ông cũng đăng ký 4 lồng. Kinh nghiệm chưa có nhưng bản thân ông Mới luôn cố gắng học hỏi, đầu tư chăm sóc cá lăng, tầm, trê phi; trừ chi phí con giống, thức ăn thu lãi 70 triệu đồng. Đến năm 2018, 2019, ông đầu tư thêm số lượng con giống, nuôi cá trắm, rô phi và số lãi tăng lên gần 180 triệu đồng/năm.
Giữa năm 2020, gia đình ông Mới quyết định đầu tư thêm 5 lồng cá và chuyển toàn bộ lên nuôi tại khu vực bản Tà Mít. Quá trình di chuyển, hoàn thành lồng mất nhiều thời gian, ông quyết định không đầu tư nuôi số lượng lớn. Ông Mới cho biết thêm: Hiện tại, gia đình mới xuất bán lứa cá trắm, rô phi và tái đầu tư lứa giống mới nên chưa hạch toán cả năm. Tuy nhiên, khi nuôi cá tại khu vực lòng hồ của Tà Mít ít bị dịch bệnh, đặc biệt là cá rô, trê phi, chỉ cá trắm thi thoảng có hiện tượng nấm; môi trường nước sạch; thức ăn có thêm phụ phẩm nông sản, thời gian nuôi lâu rất chắc, thịt thơm ngon.
Tuy nhiên, trăn trở của ông Mới là giao thông khó khăn, số hộ nuôi ít lại không đồng loạt nên thương lái cũng như các nhà hàng, khách sạn muốn đặt mua số lượng lớn, hạn chế thời gian đi lại, chi phí vận chuyển thì không có. Nguồn con giống đầu vào cũng là vấn đề đáng bàn, không thể mua tại đơn vị sản xuất do nhu cầu ít, không có phương tiện vận chuyển chuyên dụng. Vì vậy, bà con thường mua của thương lái bán lẻ hoặc dùng thuyền ra khu vực xã Nậm Cần để vận chuyển cá giống của đơn vị cung ứng khi tiện đường ghé qua. Vật dụng không đảm bảo khiến cá bị gãy ngạnh, xây xát, sau khi thả có tỷ lệ chết và sinh trưởng chậm. Khắc phục tình trạng trên, gia đình ông Mới phải cố gắng đảm bảo khâu chăm sóc, phòng bệnh.
Mặc dù các lứa cá đều xuất bán rất thuận lợi nhưng ông Mới vẫn hy vọng: Với nguồn lực hỗ trợ làm lồng cá hiện nay của huyện và lợi nhuận gia đình tôi thu được qua các năm rất mong thời gian tới sẽ có nhiều hơn các hộ dân trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư nuôi cá. Từ đó, thuận lợi hơn trong hỗ trợ nhau ở cả đầu vào và đầu ra ổn định. Chính quyền xã, huyện thể hiện rõ hơn vai trò câu nối, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm mang tính ổn định, lâu dài.
Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập bình quân đạt gần 200 triệu đồng/năm, cựu chiến binh Lường Văn Mới vinh dự được UBND huyện tặng Giấy khen danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017 - 2019. Nhiệt tình, trách nhiệm, ông còn hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho dân bản khi có nhu cầu; tạo việc làm cho 4 lao động địa phương; giúp đỡ 3 hộ nghèo, cận nghèo về vốn, kiến thức, được các cấp Hội Cựu chiến binh biểu dương, khen thưởng.










