Thứ ba, 05/11/2024, 15:32 [GMT+7]

Mạnh dạn thay đổi để thành công

Thứ sáu, 02/02/2024 - 11:13'
Những năm qua, nông dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị kinh tế. Và, anh Lù A Gôn (SN 1978) ở bản Tả Cu Tỷ là một điển hình.

Ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của gia đình anh Lù A Gôn. Được biết, từ nhỏ anh Gôn đã quen thuộc với việc trồng trọt, chăn nuôi. Anh Gôn chia sẻ: Mặc dù được Nhà nước hỗ trợ sản xuất, đời sống nhưng tôi tự nhủ phải nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại mãi được. Qua nhiều kênh thông tin, các mô hình kinh tế tại địa phương, tôi tìm tòi và đúc rút kinh nghiệm, quyết định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế.
Nhận thấy các xã trên địa bàn huyện như: Hồ Thầu, Bình Lư trồng dong riềng có hiệu quả kinh tế cao, anh Gôn chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng 1ha dong riềng. Để cây dong riềng sinh trưởng, phát triển tốt, không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh, anh thường xuyên chăm sóc, vun gốc, làm cỏ, bón phân.

Anh Gôn kiểm tra chất lượng củ dong riềng.

Anh Gôn bộc bạch: Nhiều năm nay, cây dong riềng được mùa, được giá, mang lại thu nhập cao cho gia đình. Tôi không bán củ dong tươi mà nghiền thành bột để có giá cao hơn. Năm 2023, gia đình tôi thu gần 70 tấn củ, trừ các khoản chi phí thu lãi trên 150 triệu đồng. Ngoài trồng dong riềng, tôi thường xuyên lên mạng internet để tìm tòi, học hỏi những loại cây trồng mới và đã thành công với cây khoai sọ. Kinh tế gia đình ngày một khá giả”.
Trong câu chuyện, chúng tôi được biết thêm, năm 2022 anh Gôn mạnh dạn trồng thử nghiệm khoai sọ. Thấy hiệu quả kinh tế, những vụ sau, anh duy trì trồng 3.000m2, thu được 1,5 tấn củ, lãi gần 35 triệu đồng. Sau một vài năm gắn bó, anh đánh giá khoai sọ là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, trồng từ 8-9 tháng được thu hoạch, các thương lái tới ruộng thu mua nên không mất công mang đi bán, khoai sọ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, ngô.
Anh Giàng A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma nhận xét: “Anh Lù A Gôn ở bản Tả Cu Tỷ là một trong những nông dân dám nghĩ, dám làm, chịu khó tìm tòi, học hỏi những mô hình mới, cách làm hay, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những loại cây có giá trị kinh tế cao như dong riềng, khoai sọ và mang lại nguồn thu lớn cho gia đình. Không chỉ vậy, anh còn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây cho bà con trong bản. Nhờ đó, cuộc sống của bà con ấm no hơn, đặc biệt gia đình anh Gôn đã vươn lên làm giàu chính đáng”.

Phương Thanh

Bình luận

Hiện tại chưa có bình luận

Viết bình luận

Đảng bộ xã Bình Lư : Trăn trở tình trạng già hóa đảng viên
Hiện nay, Đảng bộ xã Bình Lư (huyện Tam Đường) trăn trở với tình trạng già hóa đảng viên. Nhiều đảng viên cao tuổi, trong đó một số được miễn sinh hoạt, trong khi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...
Chi hội trưởng gương mẫu, đi đầu
Hơn 10 năm gắn bó với công tác Hội, chị Đỗ Thị Lả - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ bản Mường (xã Mường Than, huyện Than Uyên) luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mạnh...