

Theo hướng dẫn của anh Giàng A Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Loỏng chúng tôi theo tuyến đường tỉnh lộ 128 từ thành phố Lai Châu - huyện Sìn Hồ qua động Pu Sam Cáp chừng 2km (thuộc bản Gia Khâu 2) tìm gặp chị Hạnh - điển hình chăn nuôi hiệu quả của xã. Mặc dù mặt trời gần khuất núi nhưng vợ chồng chị vẫn tất bật công việc nhà nông. Anh Má A Phình (chồng chị) tập trung trộn ngô với men để ủ chuẩn bị cho mẻ rượu sắp tới; chị Hạnh cho đàn gia cầm ăn. 2 con gái tha thẩn chơi trước ngôi nhà gỗ khang trang. Giữa cung đường vắng, xung quanh là đồi núi vang rộn tiếng trẻ nô đùa, tiếng gia súc, gia cầm đòi ăn khiến người đi đường không khỏi ngạc nhiên, tò mò.
Chị Hạnh kể: Năm 2009, sau khi lấy nhau và quyết định về quê chồng sinh sống, vợ chồng tôi xin bố mẹ cho ngôi nhà cũ ven đường tỉnh lộ 128 để lập nghiệp. Dù cách xa khu dân cư, chưa có điện, đường đi nhỏ hẹp và vắng vẻ nhưng vợ chồng động viên nhau phấn đấu làm ăn. Ban ngày, chúng tôi về bản mua nông sản của bà con trong vùng bán lại cho thương lái Trung Quốc, tối mới về nhà. Sau một thời gian, chuyển hướng sang chăn nuôi lợn. Bởi tôi cũng nghiên cứu, tìm hiểu qua sách, báo, mạng internet, một trong những yếu tố chăn nuôi thành công là xa khu dân cư, nguồn nước đảm bảo. Khi ấy giá lợn hơi trên thị trường rất cao.
Chị Hạnh chăm sóc đàn vịt.
Những lứa đầu, gia đình chị Hạnh chỉ nuôi vài con/lứa; sau khi xuất bán đầu tư tăng đàn. Kết quả, nuôi 6 con lợn nái, ngoài bán con giống, gia đình chị để lại nuôi thương phẩm. Có những lứa cao điểm lên tới 30 - 40 con. Nguồn nông sản trong bản dồi dào, chị mua thóc, ngô nấu rượu vừa có thu nhập lại giảm chi phí thức ăn cho chăn nuôi. Bình quân nấu 1 nồi rượu (20 lít)/ngày, cao điểm lên tới 3 nồi/ngày (dịp tết). Năm 2017, giá lợn hơi lên xuống thất thường do dịch bệnh, bên cạnh đó tuyến đường tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng, chị thuê máy xúc san ủi, đổ đất khu vực taluy âm đối diện nhà ở để làm nhà mới và chuồng nuôi gia súc, gia cầm kiên cố, quy hoạch khoa học hơn.
Nghiên cứu thị trường, chị Hạnh đầu tư nuôi ngan, gà và vịt. Thuận nguồn nước lại đảm bảo hợp vệ sinh; chú trọng khâu lựa chọn con giống, tiêm vắcxin định kỳ và cho uống thêm thuốc bổ, đảm bảo nguồn thức ăn cả về lượng và chất... đàn gia cầm phát triển tốt. 10 năm chăn nuôi, chị Hạnh luôn tự hào chưa từng bị dịch bệnh gây hại.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, chị Hạnh duy trì đàn vật nuôi hơn 1.000 con gia cầm các loại. Nhờ nuôi gối lứa nên thường xuyên có sản phẩm xuất bán, nguồn thu ổn định. Sau mỗi lứa xuất chuồng, chị thực hiện nghiêm việc vệ sinh, rắc vôi khử trùng chuồng để nhập lứa mới. Mọi công việc từ lựa chọn con giống đến tiêm phòng định kỳ, pha trộn thức ăn và tìm mối bán hàng vợ chồng chị đều tự làm. Ngoài ra, chị cũng nuôi hơn 30 đôi chim bồ câu để tăng thêm nguồn thu.
Chị Hạnh bảo: Bây giờ chăn nuôi rất thuận lợi bởi nhu cầu thị trường thành phố cao, dù nuôi nhiều hay ít gia đình cũng chưa bao giờ bị tồn đọng, quá lứa. Đến kỳ xuất bán, chỉ một vài cuộc điện thoại là thương lái đặt mua tới vài chục con/lần. Cũng thông qua mạng facebook, zalo, nhiều khách hàng liên hệ đặt mua nên giá thành ổn định.
Chăn nuôi quy mô lớn và trước tình hình dịch cúm gia cầm lây lan rộng cũng như bệnh dịch tả lợn Châu Phi có nguy cơ tái phát nhưng với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, chị Hạnh không quá lo lắng và chưa có ý định giảm số lượng đàn vật nuôi. Với chị, chỉ cần đảm bảo nguồn con giống nguồn gốc rõ ràng, chú trọng khâu chăm sóc, phòng bệnh thì cơ hội bảo toàn rất cao. Thiết nghĩ, nếu mỗi người chăn nuôi dù lớn hay nhỏ cũng có cách làm như chị Hạnh chắc chắn ngành chăn nuôi của tỉnh sẽ ngày càng phát triển và dễ dàng ứng phó, phòng ngừa các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.










