

Chúng tôi đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình chị Khéo ở ngay gần suối Nậm Lùm, cách ngã ba Khổng Lào rẽ đi Bản Lang hơn 2km. Đứng từ trên đường nhìn xuống, chúng tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy vườn đủ các loại cây ăn quả, nào ổi, đu đủ, mít, bưởi. Càng đi sâu vào vườn, chúng tôi thỏa thích ngắm nhìn những trái bưởi to tròn; vườn ổi cây nào cây nấy sai trĩu quả; lứa chôm chôm vụ đầu tiên cho trái tuy nhỏ nhưng ngọt, mọng nước.
Chị Khéo thu hoạch chanh.
Đến khu trồng bơ, chị Khéo chia sẻ: Trước đây, toàn bộ khu đất hơn 7.000m2 này, vợ chồng tôi cấy lúa, nhưng do đất bạc màu, sản lượng thấp lắm. Năm 2015, vợ chồng tôi có đi xem mô hình trồng cây táo ở bản Vàng Bó (xã Mường So) thấy hiệu quả. Thế là nảy sinh ra ý tưởng trồng cây ăn quả trên đất này. Vợ chồng tôi vay ngân hàng 90 triệu đồng, vay thêm anh em họ hàng nữa để san ủi đất, mua giống, phân bón. Lúc đầu, tôi chỉ dự định trồng cây táo giòn Đài Loan. Sau thấy vườn rộng nên quyết trồng mỗi thứ một ít xem loại cây nào phù hợp. Thời gian ấy, vợ chồng tôi trồng 30 cây táo, 1 nghìn cây ổi, hơn chục gốc chanh đào.
Thời điểm ban đầu là quãng thời gian khó nhất với vợ chồng chị Khéo. Bởi, từ người nông dân chỉ quen với cấy lúa, trồng ngô 2 vụ quanh năm; nay chuyển sang trồng cây ăn quả, kinh nghiệm chưa có. Nhiều cây giống mới trồng xuống chưa được bao lâu bị chết khô. Tuy vậy, chị Khéo không nản, mỗi ngày chị cần mẫn chăm chút tỉ mẩn cho từng cây một.
Chị Khéo cho hay: Chăm sóc cây giống lúc đầu như “chăm con mọn”. Cả ngày ngoài vườn cuốc, xới đất, dọn cỏ, tưới nước, bón phân. Những lúc rảnh hoặc buổi tối, vợ chồng tôi lại mở tivi xem hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn quả; rồi xem ở trên mạng nữa. Giờ thì kinh nghiệm có kha khá rồi, không thấy vất vả mấy. Đến giờ ngẫm lại, các loại cây ăn quả cũng dễ chăm; chỉ cần để ý chút vào mùa sâu bệnh phun thuốc phòng, tránh kịp thời. Riêng với cây ổi, thì cần nhiều thời gian bọc quả hơn, mất nhiều công đoạn hơn.
Nói xong, chị cười xuề xòa, rồi cầm chiếc túi dẫn chúng tôi ra khu trồng chanh để hái. Những cây chanh thấp mà quả sai trĩu, đến nỗi gãy cả cành. Hơn 10 gốc chanh này cho gia đình chị thu hoạch hơn 10 triệu đồng mỗi năm.
3 năm trở lại đây, với kinh nghiệm được tích lũy, vợ chồng chị còn trồng thêm 30 gốc cây bưởi, 25 cây mít thái, 10 cây chôm chôm, 30 cây vải; mới đây trồng 60 cây vú sữa. Bởi anh chị quan điểm, “mùa nào thức ấy”, trồng đủ các loại cây theo từng mùa để vườn lúc nào cũng được thu quả, gia đình có thu nhập đều.
“Các loại cây ổi, táo, chanh cho gia đình tôi thu được gần 6 năm nay; mít thái, bơ cho thu hoạch được 2 năm; còn lại chôm chôm, vải, bưởi năm nay tiếp tục cho thu hoạch. Tính bình quân 2 năm nay, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng/năm từ mô hình trồng cây ăn quả” - chị Khéo hồ hởi chia sẻ.
Không chỉ chăm chỉ, chịu khó phát triển kinh tế gia đình, chị Khéo còn tích cực tham gia các phong trào thi đua do Chi hội Phụ nữ bản Phai Cát, hội cấp trên phát động; thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên trong bản, trong xã cùng nhau vượt khó, vươn lên làm giàu; xây dựng hội cơ sở vững mạnh về chất lượng và số lượng.
Chị Tao Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khổng Lào cho biết: Chị Khéo là hội viên nhiệt tình, trách nhiệm, tích cực tham gia mọi phong trào của hội. Chị là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất để phụ nữ trong xã học hỏi theo. Sau khi tổ chức tham quan mô hình trồng cây ăn quả của chị Khéo, nhiều hội viên trong xã học tập, chuyển đổi đất canh tác trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, bước đầu cho thu nhập. Chúng tôi rất mừng khi thấy chị em, hội viên ngày càng mạnh dạn, tự tin, sáng tạo hơn trong sản xuất nông nghiệp; cùng nhau tiến bộ, tự chủ về kinh tế.









