

Bản Nậm Ty có 123 hộ, 486 nhân khẩu, bà con chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, sống dựa vào sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi. Trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức về chăm sóc sức khoẻ còn hạn chế. Vì vậy, chị Quế phải nỗ lực rất nhiều trong suốt 22 năm qua để góp phần tạo chuyển biến về nhận thức và hành vi, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chị Quế (áo xanh, đứng giữa) tuyên truyền bà con chủ động phòng chống dịch bệnh.
Vừa là y tế bản lại kiêm cộng tác viên dân số nên công việc của chị càng thêm vất vả. Nhưng với lòng nhiệt tình, trách nhiệm, chị luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Để không làm mất thời gian của bà con, vào những buổi họp bản, sinh hoạt chi hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, chị tranh thủ 15 - 20 phút để tuyên truyền kiến thức chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân, tư vấn kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho chị em. Chị biết, nhiều người nghe trước, quên sau, nên đã kiên trì tuyên truyền nhiều lần để bà con hiểu đúng và thực hiện. Chị cũng thường xuyên vận động dân bản thực hiện vệ sinh môi trường sống, phòng chống dịch bệnh, tích cực tham gia thực hiện các chương trình y tế như: tiêm chủng mở rộng, tẩm màn phòng chống bệnh sốt rét, kế hoạch hoá gia đình… Không chỉ tích cực trong công tác tuyên truyền, dù ở đâu hay bất cứ khi nào có người báo ốm, chị không quản ngại ngày đêm, mưa nắng đến tận nơi để thăm khám hoặc làm các bước sơ cứu cần thiết trước khi chuyển người bệnh đến cơ sở y tế.
Với sự kiên trì, bền bỉ của chị, 22 năm làm y tá bản, chị đã giúp nhiều người dân thay đổi nhận thức, thực hiện hành vi có lợi cho sức khoẻ. Không một gia đình nào trong bản mà chị chưa đến thăm, tuyên truyền, vận động. Đối với những trường hợp đặc biệt, chị mời Trưởng bản, Chi hội Phụ nữ cùng đến để tuyên truyền. Nhờ đó, nhận thức của bà con về chăm sóc sức khoẻ cho bản thân và gia đình thay đổi rất nhiều. Chị tâm sự: "Làm y tá bản nếu không có sự nhiệt tình thì sẽ không thành công được, bởi mỗi người dân có suy nghĩ khác nhau, họ rất ngại tham gia các buổi tuyên truyền và đôi khi có quan niệm sống lạc hậu, bảo thủ. Vì vậy, phải thật khéo léo để động viên, khuyên bảo. Chẳng hạn như hộ gia đình anh Lò Văn Hợp, đã có 4 con gái, nhưng anh vẫn bắt vợ đẻ bằng được con trai. Ban đầu đến khuyên bảo, anh không nghe, thậm chí còn muốn xua đuổi. Mình đã mời Trưởng bản, đại diện Chi hội Phụ nữ bản đến vận động, thuyết phục mãi anh mới nghe. Đã hơn 2 năm nay, anh không có ý định sinh thêm con nữa và cũng hiểu được tác hại của việc sinh nhiều con nên tập trung phát triển kinh tế gia đình".
Y sỹ Bùi Văn Hiệp - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Hàng cho biết: “Chị Quế nhanh nhẹn, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Chị không ngại khó, ngại khổ, làm y tá bản bằng cả tấm lòng của người thầy thuốc. Chị cũng tích cực học hỏi, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, kịp thời trao đổi những khó khăn, vướng mắc với cán bộ trạm để tìm hướng giải quyết hiệu quả”.
Với sự kiên trì tích cực của chị, đến nay trong bản chỉ còn 3 cặp vợ chồng sinh con thứ 3, từ đầu năm đến nay không có người sinh con thứ 3 trở lên. Chị em chủ động đến Trạm Y tế xã khám thai đầy đủ, đúng định kỳ. Hàng năm, 90% số trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng và uống VitaminA đầy đủ. Hiện có trên 80% cặp vợ chồng dùng các biện pháp tránh thai, bà con tích cực vệ sinh bản phòng chống dịch bệnh, khi gia đình có người ốm chủ động đưa đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị.
Với những nỗ lực phấn đấu, chị Quế được UBND xã tặng thưởng nhiều Giấy khen. Chị là tấm gương sáng để cho các y tế bản khác học tập và noi theo.









