

Ông Biên sắp xếp hàng hóa.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Biên vào buổi chiều cuối tháng 11. Lúc này cả hai ông bà vừa trông cháu nội, vừa bán hàng tạp hóa. Gian bán hàng nhỏ nhưng gọn gàng, sạch đẹp. Mời chúng tôi chén nước, ông cười nói: Đây là nguồn thu nhập chính của gia đình chúng tôi đấy!
Ông Biên sinh ra và lớn lên ở quê lúa Thái Bình. Năm 1979, người thương binh hạng ¾ cùng vợ là bà Hoàng Thị Đông (sinh năm 1950) tình nguyện rời quê hương lên Lai Châu lập nghiệp. Những năm đầu, ông làm kế toán cho Hợp tác xã Xuân Thủy của thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) còn bà làm cô nuôi dạy trẻ. Làm kế toán được hơn 10 năm, ông Biên nghỉ vì công ty giải thể. Về nghỉ, tận dụng đất vườn nhà, vợ chồng ông phát triển chăn nuôi, trồng trọt để trang trải cuộc sống gia đình và nuôi 4 con ăn học.
Ông Biên tâm sự: Năm 2009, gia đình tôi chuyển lên Lai Châu theo chương trình di dân tái định cư. Lúc mới lên, kinh tế gia đình còn khó khăn, với số tiền được hỗ trợ, vợ chồng tôi làm tạm nhà để có chỗ ăn, chỗ ngủ. Vì đất được cấp chỉ đủ để xây nhà, khi đó vợ chồng tôi sức khỏe cũng yếu, không biết làm gì để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con, nuôi cháu. Năm 2011, vợ chồng tôi bàn bạc tận dụng gian ngoài để mở hàng tạp hóa bán, mỗi thứ một ít, kiếm chút tiền mua rau.
Bán hàng tạp hóa là công việc tuy nhẹ nhàng nhưng lại chiếm nhiều thời gian. Được biết, hồi mới mở gian hàng tạp hóa, ông bà thường xuyên dậy sớm để mở cửa, rồi bán cho tới tận tối muộn. Mỗi khi hết hàng, ông bà tranh thủ đạp xe xuống tận nhà phân phối để lấy hàng. Với những người có sức khỏe bình thường thì không vất vả là mấy, nhưng với một người thương binh, đó là cả sự cố gắng, vượt qua nỗi đau bệnh tật mỗi khi trái gió trở trời.
“Cùng cực, vất vả thế nào tôi cũng chịu được, tất cả vì con, vì cháu. Vợ chồng tôi có 4 con, 2 trai, 2 gái. Nhưng không may, con út của tôi bị nhiễm chất độc da cam từ tôi. Con tôi không được bình thường như bao trẻ khác, khuôn mặt hơi dị dạng do bị sứt môi, lại hay ốm, vợ chồng tôi phải đưa cháu đi phẫu thuật mấy lần mới được như hôm nay. Tiền trợ cấp hàng tháng của tôi không đủ để chi tiêu trong gia đình, nên vợ chồng tôi càng phải cố gắng hơn” - ông Biên chia sẻ thêm.
Hình ảnh hai ông bà sáng sớm tinh mơ tất bật bày hàng, đến tối muộn lại thu dọn hàng đã quá quen thuộc với người dân trong tổ 25. Đáng lẽ, ở cái tuổi này khi đã ngoài 70 tuổi, ông bà được sống vui vẻ, quây quần bên con cháu, nhưng ông Biên lại là trụ cột kinh tế của gia đình. Hiện tại, hàng tháng ngoài việc lo phí sinh hoạt gia đình, thuốc thang cho con út và ông bà, ông Biên còn phụ giúp con trai cả nuôi 2 cháu nội.
Vừa đặt chén nước xuống, ông Biên vội cầm lấy đôi tay nhăn nheo của bà Đông và nói: Còn sức chúng tôi còn tiếp tục bán hàng nhỉ bà.
Dứt lời, hai ông bà nhìn nhau cười, nụ cười viên mãn của tuổi già, rồi ông vội đứng dậy bán hàng cho khách. Nhìn ông Biên đứng bán hàng, với dáng gầy, nhỏ, đôi mắt đã ríu lại vì ảnh hưởng chất độc màu da cam, chúng tôi càng khâm phục ý chí, nghị lực vượt qua mọi khó khăn, bệnh tật của ông. Hy vọng, ông bà sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc quen thuộc của mình.









