

Trong cái nắng dịu của một chiều cuối tháng 9, chúng tôi đến thăm vườn cây ăn quả của Trung úy Tô Hữu Toàn ở bản Nậm Loỏng, phường Quyết Thắng, thành phố Lai Châu. Được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật từ khâu làm đất, chọn giống, chăm sóc khi cây ra hoa, đậu trái đến bón phấn, thu hoạch nên gần 1.000 gốc ổi không hạt phát triển tốt, cho quả đạt chất lượng.
Trong câu chuyện khi đưa chúng tôi đi thăm vườn cây, anh Toàn tâm sự: “Gần 15 năm công tác ở vùng Tây Bắc, tôi luôn mong muốn được đóng góp công sức xây dựng quê hương thứ 2 ngày càng phát triển. Cũng với nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tôi ấp ủ hoài bão làm kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp. Đầu năm 2017, trong chuyến đi công tác vào miền Nam, được tham quan mô hình trồng ổi không hạt (giống Thái Lan) với năng suất, chất lượng cao, thị trường tiêu thụ ổn định, tôi rất ấn tượng. Trở về, tôi tìm hiểu kỹ hơn và tiến hành đo nồng độ pH trong đất (2ha đất nương mua lại của người dân bản địa) và kết quả là trung tính, phù hợp để cây ổi không hạt phát triển. Tôi mua gần 1.000 gốc ổi giống (giá 30 nghìn đồng/gốc) về trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Thời gian này, ổi đang cho thu hoạch, giá thành tương đối cao và đầu ra thuận lợi”.
Trung úy Tô Hữu Toàn hướng dẫn công nhân chăm sóc cây ổi không hạt.
Chúng tôi để ý thấy toàn bộ quả đều được bọc túi nilon, lưới xốp rất cẩn thận, mặt đất được làm cỏ sạch sẽ, gốc ổi vun cao đất, phủ bằng thân cây lạc, cây đậu tương khô. Được biết, 2 năm đầu khi cây ổi đang giai đoạn phát triển, tạo tán, hạn chế cỏ dại, anh Toàn xen canh lạc và đậu tương (cây trồng có khả năng cải tạo, nâng độ phì nhiêu cho đất). Nhờ đó, mỗi vụ anh thu từ 30 - 40 triệu đồng từ trồng lạc và đậu tương, thêm vốn tái đầu tư chăm sóc vườn ổi.
Đặc biệt, anh tận dụng những quả ổi không đạt tiêu chuẩn, cây đậu, lạc sau thu hoạch... ủ làm phân bón sinh học để tưới cho vườn ổi. Mùa mưa thường xuyên xuất hiện một số bệnh phổ biến như: rệp sáp, đốm trái, cháy lá… anh cũng sử dụng các loại thuốc phòng trừ sinh học. Bảo vệ quả không bị sâu, ruồi đục trái và không nhiễm thuốc bảo vệ thực vật và hình thức đẹp, từ khi cây có quả, công nhân tiến hành bao trái bằng lưới xốp và túi nilon.
Sau 1 năm trồng, cây ổi không hạt đã bắt đầu cho quả bói và năm nay toàn bộ diện tích đều cho quả. Theo anh Toàn, để ổi đạt năng suất cao và chất lượng tốt nhất, khi cây ở thời kỳ ra hoa cần chú ý bấm đọt, loại bỏ bớt hoa (chỉ để từ 2 – 4 quả/chùm). Trong thời gian cây nuôi trái, cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân bón phù hợp và anh lựa chọn phân sinh học. Chăm sóc tốt cây sẽ ra hoa, đậu quả quanh năm và cho thu hoạch rộ vào quý III hàng năm.
Vụ ổi năm 2018, dù năng suất chưa cao nhưng chất lượng quả rất tốt, thu hoạch đến đâu được thương lái đến tận vườn đặt mua với giá bình quân 30 nghìn đồng/kg, giup anh có nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Năm nay, mới bước vào đầu vụ thu hoạch, gia đình anh đã bán ra thị trường hơn 2 tấn quả, thu về khoảng 60 triệu đồng. Vườn ổi không hạt sẽ cho thu hoạch đến tết Nguyên đán 2020, dự kiến sản lượng khoảng 8 tấn, tương đương 240 triệu đồng. Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, từ vườn ổi, anh Toàn tạo việc làm ổn định cho 6 lao động địa phương với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
Ngoài cây ổi không hạt, anh Toàn trồng thêm 600 gốc bưởi da xanh, hiện cây phát triển tốt. Anh cũng thành lập Hợp tác xã nông sản sạch T&D Lai Châu chuyên thu mua và phân phối nông sản do nông hộ sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh. Hiện, Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, giúp quảng bá sản phẩm nông sản sạch của tỉnh đến người tiêu dùng cả nước.
Từ những đóng góp thiết thực đối với nền nông nghiệp tỉnh nhà, Trung úy Tô Hữu Toàn là tấm gương sáng dám nghĩ dám làm để thế hệ trẻ cùng học tập, làm theo.









